Đau đầu sau sinh cảnh báo bệnh gì? Có cần uống thuốc không?

Ngày đăng: 12/05/2023  Bởi: Đức Lê Lượt xem

Có rất nhiều mẹ sau sinh bị đau đầu chóng mặt buồn nôn. Một số mẹ gặp đủ cả 3 triệu chứng này, nhưng có một số mẹ chỉ bị 1 hoặc 2 trong số 3 triệu chứng. Trong đó, đau đầu là hiện tượng phổ biến nhất mà rất nhiều mẹ phải chịu đựng. Nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Phụ nữ bị đau đầu sau sinh phải làm sao để khắc phục triệt để vấn đề mà không gây ảnh hưởng đến em bé?

Vì sao phụ nữ sau sinh bị đau đầu?

Đau đầu sau sinh được các mẹ miêu tả thường là cơn đau bứt rứt từng cơn ở 2 bên thái dương (đau đầu ở vùng thái dương) hoặc đau nửa đầu, kèm theo đó là các triệu chứng như hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, trầm cảm, khó thở, tụt huyết áp. Nghiêm trọng hơn, có một số phụ nữ sau sinh bị sốt và đau đầu cùng lúc gây ảnh hưởng rất nhiều tới sự hồi phục sức khỏe và khả năng chăm sóc con của các mẹ bỉm sữa.

Một số nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng đau đầu sau sinh là:

Thay đổi nội tiết: Sau sinh, lượng hormone Estrogen trong cơ thể của mẹ bỉm giảm mạnh và đột ngột so với khi mang bầu. Điều này có thể gây ra cơn đau đầu âm ỉ khó chịu tương tự với cơn đau đầu thường gặp ở một vài phụ nữ trước kỳ kinh nguyệt. Đau đầu do thay đổi nội tiết thường không dữ dội nhưng và sẽ biến mất khi nội tiết của mẹ bỉm cân bằng trở lại.

Stress: Sự thay đổi nội tiết, áp lực chăm con và bất đồng quan điểm chăm sóc con với người thân, thay đổi hoàn cảnh sống (thường gặp ở các mẹ sinh con lần đầu), thường xuyên thức đêm, thiếu ngủ… dẫn đến căng thẳng kéo dài. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến phụ nữ sau sinh đau đầu do thiếu ngủ.

dau-dau-sau-sinh-1.jpg
Mẹ sau sinh đau đầu sẽ rất khổ sở, mệt mỏi và ảnh hưởng xấu tới quá trình nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe

Thiếu máu: Một số mẹ bị đau đầu sau sinh do mất máu quá nhiều trong quá trình sinh nở, chế độ ăn uống trong thời gian ở cữ lại không đảm bảo đủ chất dẫn đến thiếu máu. Trong trường hợp này, mẹ bỉm thường bị tụt huyết áp, đau đầu và chóng mặt.

Bế sản dịch: Sau sinh, sản dịch trong tử cung được đào thải ra ngoài và hết trong khoảng 45 ngày đổ lại. Tuy nhiên, một số mẹ bỉm xui xẻo bị ứ sản dịch dẫn đến nhiễm trùng trong tử cung. Đây là một nguyên nhân nguy hiểm gây ra hiện tượng đau đầu dữ dội như cắn buốt trong óc, đi kèm sốt cao, thậm chí người bệnh có thể bị ngã nhào, co quắp tay chân.

Tác dụng phụ của thuốc gây tê ngoài màng cứng: Đây là nguyên nhân khiến rất nhiều phụ nữ sau sinh mổ hay bị đau đầu chóng mặt. Chứng đau đầu sau sinh mổ thường kéo dài vài ngày, thậm chí tới vài tuần sau khi sinh. Mức độ đau, thời gian kéo dài cơn đau tùy thuộc vào cơ địa của từng người.

Gốc tự do: Sau sinh, các gốc tự do trong cơ thể tăng sinh liên tục. Chúng tấn công và khiến cho các lớp nội mạc mạch máu trong não bị tổn thương, thúc đẩy sự hình thành các mảng xơ vữa khiến cho máu lên não giảm, dẫn tới đau đầu và hoa mắt, chóng mặt.

dau-dau-sau-sinh-2.jpg
Quá trình gây tê ngoài màng cứng là lý do khiến tỉ lệ phụ nữ đau đầu chóng mặt sau sinh mổ cao hơn so với sinh thường

Phụ nữ bị đau đầu sau sinh có sao không?

Hầu hết các trường hợp đau đầu ở phụ nữ sau sinh là lành tính. Triệu chứng sẽ mất đi theo thời gian nếu mẹ bỉm biết cách ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện đúng cách. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp cơn đau đầu ác tính và đe dọa đến tính mạng (tiêu biểu như đau đầu do bế sản dịch). Các mẹ nên theo dõi và cần phải đi khám nếu cơn đau đầu sau sinh tái đi tái lại, đã áp dụng các biện pháp giảm đau nhưng không hiệu quả hoặc đau đầu đi kèm theo các dấu hiệu bất thường dưới đây:

  • Đau đầu dữ dội quá sức chịu đựng;
  • Mất ngủ, không thể đi vào giấc ngủ;
  • Hoạt động thể chất xong cũng đau đầu;
  • Đi kèm sốt cao, nôn hoặc buồn nôn, đau cứng cổ, mờ mắt, mất ý thức…

Phụ nữ sau sinh bị đau đầu phải làm sao?

Đối với các trường hợp lành tính, cách trị đau đầu cho mẹ sau sinh đơn giản chỉ là việc nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, có thể sử dụng các bài thuốc thảo dược bồi bổ sức khỏe sau sinh hoặc thuốc giảm đau nếu cơn đau khó chịu quá.

Phụ nữ sau sinh bị đau đầu nên ăn uống sinh hoạt như thế nào?

Dưới đây là một vài lời khuyên về cách ăn uống và sinh hoạt hàng ngày sẽ giúp ích rất nhiều cho việc chữa đau đầu sau sinh thường, sinh mổ. Các mẹ nên lưu ý:

Ngủ đủ giấc: Bằng mọi giá, hãy thu xếp để được ngủ ít nhất 7h đồng hồ mỗi ngày. Giấc ngủ giúp cơ thể hồi phục năng lượng sau hành trình vượt cạn vất vả, đồng thời giúp giảm đau đầu hiệu quả. Nuôi dưỡng một em bé sơ sinh thật không dễ dàng, hãy nhờ người thân chia sẻ việc này để bản thân bạn có thêm thời gian nghỉ ngơi, ít nhất là trong khoảng thời gian vừa sinh nở xong.

Tập thể dục nhẹ nhàng: Yoga, thiền, đi bộ, đi bơi hoặc thực hiện một số động tác của bài tập Kegel dành cho phụ nữ sau sinh… có hiệu quả rất tốt trong việc tăng cường lưu thông khí huyết, thư giãn tinh thần, giúp ích rất nhiều cho các mẹ bị đau đầu sau sinh mổ, sinh thường.

dau-dau-sau-sinh-3.jpg
Phụ nữ sau sinh nên ăn đa dạng, giàu dinh dưỡng để giảm đau đầu

Ăn uống đa dạng, đủ các nhóm chất: Tinh bột, đường, chất béo, protein, vitamin và khoáng chất với hàm lượng khẩu phần hợp lý. Bạn có thể xin thực đơn từ bác sĩ sản khoa của mình. Phụ nữ sau sinh đặc biệt nên ăn các món ăn giàu chất sắt như thịt bò, thịt gà, trứng, các loại hạt… đồng thời uống đủ từ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để tăng cường trao đổi chất và kích thích tiết sữa, kích thích máu lưu thông. Các loại trái cây tươi giàu vitamin cũng rất hữu ích trong việc giảm đau cho các mẹ bị đau đầu sau khi sinh mổ, sinh thường.

Hạn chế ánh sáng, âm thanh và các thiết bị điện tử: Mẹ bỉm bị đau đầu sau sinh nên nghỉ ngơi trong phòng thoáng mát, yên tĩnh và ánh sáng dịu nhẹ. Hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại, xem tivi vì đây là tác nhân gây đau đầu nếu tiếp xúc quá nhiều.

Giữ tinh thần thật lạc quan: Loại bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực bằng cách ngắm nhìn thiên thần nhỏ của bạn thật nhiều, ôm con và tận hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ. Tránh tối đa cãi vã và sang chấn tâm lý trong thời kỳ này.

Phụ nữ sau sinh bị đau đầu uống thuốc gì?

Có một số loại thuốc giảm đau hạ sốt được cho là an toàn với mẹ cho con bú vì chúng không được hấp thụ vào sữa mẹ nên không ảnh hưởng tới bé. Ví dụ như paracetamol và ibuprofen (chỉ khoảng 6% hàm lượng thuốc đi vào sữa mẹ, an toàn cho bé). Tuy nhiên, mẹ cần cân nhắc, tốt nhất là hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào trong số này vì các lý do dưới đây:

  • Paracetamol có thể làm giảm khả năng tiết sữa của mẹ
  • Nếu bé sinh non, bé sinh ra nhẹ cân thì mẹ không nên sử dụng thuốc khi đang cho con bú.

Ngoài ra, nếu quyết định sử dụng các loại thuốc giảm đau đầu sau sinh, mẹ nên lưu ý:

  • Dùng liều thấp và trong thời gian ngắn
  • Nếu con có dấu hiệu ngủ li bì, hôn mê, bú kém, nhịp tim chậm, khó thở… mẹ ngừng thuốc và đưa con đi khám ngay.
  • Nếu con có biểu hiện quấy khóc, tiêu chảy, bỏ bú… mẹ ngừng thuốc ngay.
  • Không cho con bú trong vòng 2 giờ sau khi uống thuốc, vì đây là khoảng thời gian thuốc phát huy tác dụng mạnh nhất.

Một số cách giảm đau đầu sau sinh mổ, sinh thường không dùng thuốc

“Sau sinh bị đau đầu uống thuốc gì?” đến nay vẫn còn là câu hỏi gây ra nhiều băn khoăn, tranh cãi khiến nhiều mẹ bỉm sữa lo ngại, nhất là trong thời điểm mẹ cho con bú thời kỳ sơ sinh. Nếu chứng đau đầu sau sinh quá nặng, bắt buộc phải dùng tới thuốc giảm đau hoặc thuốc điều trị, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ. Còn đối với cơn đau đầu bình thường, mẹ có thể tham khảo một số cách giảm đau không dùng thuốc dưới đây:

Uống trà gừng: Với hàm lượng chất chống oxy hóa cực cao và các thành phần chống viêm, gừng giúp làm giảm cơn đau đầu sau khi sinh rất hiệu quả. Chế biến một ly nước gừng tươi và nhấp từng ngụm nhỏ khi cơn đau kéo đến có thể giảm mức độ khó chịu của cơn đau.

Chườm ấm hoặc chườm lạnh: Việc chườm lạnh giúp thư giãn dây thần kinh, còn chườm ấm thì giúp thư giãn các cơ đang bị căng. Cả 2 phương pháp này đều khá hiệu quả trong việc giảm triệu chứng đau đầu sau sinh. Mẹ có thể thử cả 2 để lựa chọn xem mình hợp với chườm nóng hay chườm lạnh hơn nhé.

Massage, bấm huyệt: Có rất nhiều bài massage bấm huyệt được hướng dẫn trong một số cuốn sách Đông y. Mẹ có thể tham khảo và làm theo để giảm cơn đau mà không cần phải uống thuốc gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa, không lo gây hại cho em bé.

Các chuyên gia cho biết, phụ nữ sau sinh bị đau đầu không phải là tình trạng hiếm gặp, thậm chí có thể nói là mẹ nào cũng gặp, chỉ có điều thời gian và mức độ đau ở một số người rất chóng vánh nên họ không để tâm mà thôi. Hầu hết các trường hợp đau đầu sau khi sinh, triệu chứng sẽ tự biến mất sau khoảng 4 – 6 tuần. Nhưng nếu tình trạng kéo dài hơn con số này hoặc đi kèm theo các triệu chứng bất thường như chúng tôi đã đề cập trong bài viết, các mẹ nên thăm khám để tìm ra nguyên nhân và chữa trị ngay.

Đánh giá bài viết

Đáng suy ngẫm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điểm bán gần bạn