Đau đầu kéo dài nhiều ngày hãy cẩn thận với triệu chứng bệnh lý sau đây

Ngày đăng: 15/05/2023  Bởi: Đức Lê Lượt xem

Ngày nào cũng thế, mở mắt ra là phải đối diện với cơn đau đầu khó chịu, thậm chí đau trong cả lúc ngủ. Hiện tượng đau đầu kéo dài có thể liên tục hoặc ngắt quãng; xảy ra vào một thời điểm cố định trong ngày hoặc chẳng có quy luật gì cả; có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc đi kèm một vài triệu chứng bất thường khác. Cùng đi tìm nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này!

Triệu chứng đau đầu kéo dài là như thế nào?

Đau đầu là chứng bệnh rất thường gặp mà ai cũng từng phải chịu đựng vào một thời điểm nhất định trong cuộc sống. Bình thường thì cơn đau sẽ hết khi được nghỉ ngơi và uống thêm thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên, nếu cơn đau lặp lại mỗi ngày với tổng thời gian từ 15 ngày/tháng trở lên thì được coi là đau kéo dài (đau đầu mãn tính).

Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về các nguyên nhân gây ra triệu chứng đau đầu kéo dài liên tục ở phần thứ hai của bài viết. Tùy vào nguyên nhân gây đau, cơn đau đầu mãn tính có những biểu hiện triệu chứng khác nhau. Sau đây là những biểu hiện thường gặp nhất:

  • Cơn đau có thể diễn ra ở một bên gọi là đau nửa đầu hoặc cả hai bên đầu.
  • Cảm giác đau có thể giống như bị dây thít chặt đầu, hoặc đau nhói
  • Cơn đau xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau, có thể từ nhẹ đến nặng

Cũng tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau, triệu chứng đau đầu kéo dài liên tục có thể xuất hiện kèm theo một hoặc một vài dấu hiệu dưới đây:

  • Nôn ói hoặc buồn nôn
  • Sợ ánh sáng, sợ âm thanh
  • Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi
  • Mắt đỏ hoặc chảy nước mắt
  • Đổ mồ hôi nhiều…

Bị đau đầu kéo dài nhiều ngày là bệnh gì?

Thực tế, bệnh đau đầu mãn tính không được phân loại là một dạng đau đầu. Nó có thể xuất phát do một, hai hay nhiều loại đau đầu gây nên. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới đau đầu lặp lại trong thời gian dài:

Đau đầu choáng váng kéo dài do thiếu máu lên não 

Thiếu máu lên não (hay thiểu năng tuần hoàn máu lên não) là tình trạng bệnh do lượng máu đưa lên não giảm, dẫn tới thiếu dinh dưỡng và oxy nuôi não. Não bộ có tầm quan trọng như thế nào với chúng ta chắc không cần phải minh chứng. Để hoạt động khỏe mạnh, não bộ sẽ lấy 25% lượng oxy từ hệ tuần hoàn, 20% máu từ tim và 25%đường trong máu.

Thiếu máu lên não chính là một trong số những lý do phổ biến tại sao đau đầu kéo dài nhiều ngày không khỏi. Cơn đau đầu do thiếu máu não thường sẽ đau nhói ở một vùng cố định rồi lan ra toàn bộ đầu. Hoặc trong nhiều trường hợp tự dưng chúng ta thấy đầu hơi nặng, thường rất hay gặp khi vừa mới ngủ dậy và phải đi lại nhiều. Bên cạnh đau đầu, bệnh này thường đi kèm các triệu chứng:

  • Hoa mắt chóng mặt, choáng váng
  • Tê mỏi, buồn chân tay
  • Mất ngủ
  • Đau dọc sống lưng
  • Ngoài ra còn một số biểu hiện khác như suy giảm thị lực, gặp hiện tượng ảo giác, nhìn đôi, rung giật nhãn cầu; thường xuyên tê chân tay, cơ thể thấy mệt mỏi, rối loạn vận động; hội chứng tiền đình, nôn và buồn nôn…
Dau-dau-keo-dai-4.jpg
“Đau đầu kéo dài là bệnh gì” – câu hỏi mà rất nhiều người đang băn khoăn

Đau nửa đầu kéo dài do lo âu căng thẳng

Khi thần kinh thường xuyên bị căng thẳng hoặc rối loạn cảm xúc, một lượng lớn hormone Cortisol sẽ được giải phóng vào trong máu để ra tín hiệu đòi hỏi được cung cấp thêm năng lượng từ chất béo, khiến cho huyết áp tăng và tim đập nhanh vượt mức bình thường. Điều này khiến quy trình tuần hoàn máu bị rối loạn, gây ra áp lực cho thành mạch và đây chính là nguyên nhân gây đau đầu. Căng thẳng, rối loạn cảm xúc có thể gây đau đầu kéo dài 1 tuần – 2 tuần với một số triệu chứng đi kèm:

  • Cảm giác đau nằng nặng đầu, thấy giống như bị thắt khăn siết quanh đầu vậy
  • Cơn đau thường diễn ra âm ỉ suốt cả ngày, đôi khi đau lan xuống vùng gáy
  • Người bệnh mất ngủ, khó tập trung vào công việc
  • Càng stress, mệt mỏi hoặc nghe thấy tiếng ồn thì càng đau nặng hơn.
  • Cảm giác các cơ ở mặt, cổ và đầu bị co cứng.

Đau đầu ê ẩm kéo dài do dị dạng mạch máu

Dị dạng mạch máu não là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm thường chia triệu chứng theo 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn trước khi vỡ mạch máu thường có triệu chứng đau đầu một cách ê ẩm, đi kèm co giật và động kinh diễn ra trong thời gian dài. Ở một số trường hợp thì có thêm dấu hiệu: đau đầu chóng mặt, yếu hoặc liệt cơ, gặp khó khăn khi phải thực hiện những động tác phức tạp, gặp khó khăn trong biểu đạt ngôn ngữ, tê ngứa chân tay…
  • Ở giai đoạn vỡ mạch máu (đột quỵ não), người bệnh thường bị đau đầu dữ dội, tăng huyết áp, cấm khẩu hoặc loạn ngôn, hôn mê,…
Dau-dau-keo-dai-3.jpg
Dị dạng mạch máu não không quá phổ biến, người bệnh thường không biết nguyên nhân mình đau đầu kéo dài là bị gì.

Đau đầu dữ dội kéo dài do bệnh Migraine

Đau nửa đầu Migraine là cái tên quá quen thuộc trong “dòng họ” nhà bệnh đau đầu. Chứng bệnh này khá nghiêm trọng với thời gian đau có thể kéo dài nhiều ngày cho tới vài tuần mỗi đợt phát bệnh. Ban đầu, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, ốm yếu trong khoảng 1 – 2 ngày (một số người bệnh còn cho biết họ nhìn thấy hào quang nhấp nháy), sau đó thì cơn ác mộng đau đầu kéo dài thực sự diễn ra với các triệu chứng điển hình như:

  • Đau nhói dữ dội một bên đầu (đôi khi là cả hai)
  • Đau ở sau hốc mắt
  • Sợ các loại mùi, đặc biệt là mùi công nghiệp như nước hoa, nước giặt xả, nước lau sàn…
  • Sợ ánh sáng, nhất là ánh sáng mạnh và chói. Chỉ muốn được nghỉ ngơi trong phòng tối.
  • Sợ âm thanh, không thể chịu nổi dù chỉ là những bản nhạc thường ngày vẫn nghe, dễ nổi cáu khi bị ai đó làm ồn.
  • Khi cơn đau qua đi, người bệnh rất mệt mỏi và cảm thấy như kiệt sức.

Với những đặc trưng như trên, Migraine chắc chắn là “ứng cử viên sáng giá” nhất để trả lời cho câu hỏi đau đầu kéo dài là triệu chứng của bệnh gì?

Đau đầu mệt mỏi kéo dài hậu chấn động não

Một người từng trải qua cơn chấn động vùng đầu có thể sẽ phải đối diện với chứng đau đầu mệt mỏi kéo dài đến hàng tháng, thậm chí cả năm. Đây được gọi là hội chứng hậu chấn động, với các triệu chứng thường gặp như sau:

  • Cơ thể mệt mỏi thiếu sức sống
  • Đau đầu mệt mỏi tái phát hoặc liên tục
  • Chóng mặt, choáng váng, ù tai, mờ mắt
  • Tâm trạng bồn chồn, bứt rứt
  • Đãng trí hoặc mất trí nhớ ngắn hạn
  • Khó ngủ, mất ngủ
  • Sợ âm thanh, ánh sáng
  • Rối loạn một số giác quan (vị giác, khứu giác)

Một số yếu tố nguy cơ dẫn tới đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể phát triển thành đau đầu mãn tính không rõ nguyên nhân, ví dụ như:

  • Rối loạn giấc ngủ, ngủ trưa dậy bị đau đầu
  • Nằm ngủ sai tư thế
  • Đau đầu sau khi quan hệ
  • Lạm dụng caffein
  • Lạm dụng thuốc giảm đau không kê đơn, dẫn tới hội chứng đau đầu hồi ứng
  • Một số bệnh gây ra cơn đau ở vùng cổ, lan lên đầu: viêm khớp, chấn thương, khối u, mòn đĩa đệm, nhiễm trùng, gãy xương…
  • Các cơn đau mãn tính khác của cơ thể cũng có thể dẫn tới đau đầu.

Cách chữa đau đầu kéo dài hiệu quả

Phương pháp điều trị đau đầu mãn tính phụ thuộc vào nguyên nhân lớn nhất gây ra triệu chứng là gì. Tốt nhất bạn nên tìm đến bác sĩ để biết chính xác nguyên nhân đau đầu là gì,  cách chữa trị tận gốc như thế nào. Nếu như bệnh đau đầu của bạn thuộc nhóm không rõ nguyên nhân, bác sĩ thường có xu hướng kê đơn điều trị triệu chứng, ngăn ngừa cơn đau tái phát.

Cách chữa đau đầu kéo dài bằng thuốc

Sau đây là một số phân nhóm thuốc thường được bác sĩ chỉ định để điều trị và ngăn ngừa triệu chứng đau đầu mãn tính:

  • Nhóm thuốc chẹn beta: Bao gồm propranolol (Inderal) và metoprolol (Lopressor).
  • Nhóm thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID): Bao gồm aproxen (Aleve) và ibuprofen (Motrin, Advil). Nhóm này cần sử dụng đúng liều lượng để tránh gây ra hội chứng đau đầu hồi ứng khiến bệnh đau đầu kéo dài hơn.
  • Nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Bao gồm amitriptyline và nortriptyline dùng trong trường hợp người bệnh quá lo âu, stress vì chứng đau đầu diễn ra liên tục.
  • Nhóm thuốc chống động kinh: Bao gồm  gabapentin (Neurontin) và topiramate (Topamax).
  • Thuốc tiêm botox: Dùng để điều trị bệnh đau đầu mãn tính cho những người không dung nạp thuốc
Dau-dau-keo-dai-5.jpg
Không tự ý sử dụng các loại thuốc kê đơn và sử dụng thuốc giảm đau kê đơn đúng cách

Cách chữa đau đầu kéo dài không dùng thuốc

Các phương pháp này được ứng dụng kết hợp với việc dùng thuốc để nâng cao hiệu quả điều trị:

  • Châm cứu: Là một kỹ thuật y học cổ truyền, sử dụng kim châm cắm vào các vị trí cụ thể để giảm đau đầu.
  • Xoa bóp bấm huyệt chữa đau đầu: Giúp người bệnh thư giãn và giảm sự căng cơ.
  • Thay đổi lối sống: Ngoài các biện pháp điều trị trên, việc người bệnh chủ động điều chỉnh lối sống theo hướng lành mạnh (ăn uống đa dạng đủ chất, ngủ nghỉ đúng giờ đủ giấc, tập luyện thể thao vừa sức, tránh xa các chất kích thích và xây dựng một môi trường sống trong lành yên tĩnh…) cũng là cách chữa đau đầu kéo dài vô cùng hữu hiệu.

Đau đầu mãn tính khi nào bắt buộc phải đi khám?

Nếu như cơn đau không quá nghiêm trọng, ví dụ đau đầu kéo dài 2 ngày rồi thuyên giảm và không tái phát, bạn có thể áp dụng các giải pháp điều trị tại nhà và theo dõi thêm. Tuy nhiên, nếu xuất hiệu các triệu chứng sau đây, bạn nên sắp xếp đi thăm khám sớm để kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình:

  • Liên tục có 3 cơn đau đầu trở lên mỗi tuần, kéo dài từ 2 tuần trở lên
  • Cơn đau không thuyên giảm dù đã uống một loại thuốc giảm đau không kê đơn
  • Hầu như ngày nào bạn cũng phải dùng thuốc giảm đau không kê đơn
  • Cơn đau ngày càng tăng nặng
  • Cơn đau tăng nặng khi bạn làm việc gắng sức
  • Cơn đau ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, năng suất lao động của bạn.
Dau-dau-keo-dai-6.jpg
Đau đầu nhiều ngày liên tục có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm nguy cơ đột quỵ

Bên cạnh đó, chứng đau đầu kéo dài nhiều ngày liên tục rất có thể dẫn đến một biến chứng nguy hiểm là viêm màng não hoặc đột quỵ. Người bệnh đau đầu mãn tính phải ngay lập tức nhập viện kiểm tra nếu có các dấu hiệu sau đây:

  • Bỗng dưng xuất hiện một cơn đau đầu đột ngột và dữ dội
  • Đau đầu đi kèm với sốt cao, cứng cổ, buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Đau đầu kèm theo tê liệt, lú lấn, các vấn đề bất thường về phối hợp hành vi, đi lại và nói chuyện.
  • Nếu cơn đau đầu xảy ra sau khi bạn bị chấn thương ở vùng đầu.

Nhìn chung triệu chứng đau đầu kéo dài không phải lúc nào cũng đe dọa đến tính mạng của người bệnh, không phải lúc nào cũng để lại hậu quả nghiêm trọng ngay tức thì cho sức khỏe. Nhưng căn bệnh này khiến bệnh nhân khổ sở bứt rứt, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống và năng suất lao động, chưa kể những nguy cơ biến chứng khi để lâu ngày. Do đó, chúng tôi mong người bệnh chủ động thăm khám, điều trị để đảm bảo sức khỏe bền vững cho tương lai.

Đánh giá bài viết

Đáng suy ngẫm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điểm bán gần bạn