Triệu chứng lâm sàng của bệnh Parkinson

Ngày đăng: 31/01/2023  Bởi: Tuấn Anh Lượt xem

Ngay từ thời kỳ y học cổ đại người ta đã biết một số triệu chứng về bệnh Parkinson; Nhưng phải đến năm 1817, một bác sỹ người Anh là James Parkinson mới mô tả lâm sàng đầu tiên về bệnh này, tác giả gọi đó là bệnh liệt run (shaking palsy), sau đó Charcot (1886) đã xác định đây không phải là bệnh có liệt mà là bệnh của người cao tuổi và gọi là bệnh Parkinson. Từ đó tới nay đã có nhiều nhà khoa học đi sâu nghiên cứu về bệnh căn, bệnh sinh và điều trị căn bệnh này; Nhưng kết quả thu được chưa được như mong muốn.

triệu chứng lâm sàng bệnh parkinson
Hình ảnh lâm sàng của bệnh Parkinson, gồm tam chứng rối loạn vận động

Bác sỹ Hoàng Sầm của Viện Y học bản địa Việt Nam đã nhiều năm trăn trở về căn bệnh thần kinh Parkinson và đi sâu nghiên cứu về nó, bài viết của chúng tôi nhằm phục vụ cho đề tài nghiên cứu bệnh Parkinson do ông làm chủ nhiệm, mục đích cuối cùng là tìm ra được phương pháp điều trị tốt nhất bằng thuốc Nam cho bệnh nhân Parkinson, khắc phục những tác dụng không mong muốn của các thuốc Tây y mà bệnh nhân đang điều trị hiện nay.

Dưới đây là một số triệu chứng lâm sàng của bệnh Parkinson: 

1. Giảm động (Hypokinesia)

Đây là một triệu chứng bao giờ cũng có, bệnh nhân thường biểu hiện như giảm hoặc mất (Akinesia) các vận động tự nhiên, giảm mức độ mềm mại của vận động. Giảm các vận động và nghèo các vận động (Bradikinesia, Oligokinesia).

Lâm sàng biểu hiện bệnh nhân đi không có động tác vung tay, nét mặt mất các vận động để biểu hiện tình cảm (nét mặt cứng đờ, nết mặt như tượng…), bệnh nhân không chớp mắt hoặc rất ít chớp mắt v.v.

Giảm động là triệu chứng khá phức tạp, có khi có bệnh nhân chỉ có triệu chứng giảm động mà không có run và co cứng tăng trương lực cơ.

2. Run 

Triệu chứng run cũng gặp hầu như tất cả các bệnh nhân. Đặc điểm run Parkinson là run có có tính chất đơn điệu, run đều, nhịp nhàng. Run xuất hiện khi nghỉ ngơi hay còn gọi là run tĩnh. Run tăng lên khi thay đổi cảm xúc (xúc động, buồn, vui…); Run mất đi khi ngủ, khi tay vận động thì thường hết run, run ở tay giống như người sỉa tiền hoặc vê thuốc lào và run tồn tại thường xuyên.

Triệu chứng run xuất hiện rất sớm, lúc đầu chỉ là run một chi trên (tay phải gặp nhiều hơn tay trái), sau đó run lan sang bên kia, run lan xuống chân, nhiều trường hợp bệnh nhân run cả hàm dưới (vùng môi), run ở lưỡi hoặc run cả đầu.

Điện cơ (EMG: ElectromyMyoGraphy): Ghi ở các cơ bàn tay, thường thấy run có tần số thấp từ 4 -6 giao động/giây, biên độ lớn biểu hiện từng loạt một, từ 3 -7 loạt trong một phút.

Phát hiện run thường dùng phương pháp: Bệnh nhân giang tay ra phía trước và đặt một tờ giấy lên trên hoặc bằng cách bảo bệnh nhân viết trong khi nhắm mắt (test Cherson).

3. Co cứng tăng trương lực cơ (có tác giả còn gọi là cứng đơ – rigidity)

Triệu chứng co cứng  tăng trương lực cơ cũng xuất hiện sớm, khu trú thường trước tiên nhóm cơ vùng cổ. Co cứng cơ, tăng trương lực cơ ở đây theo kiểu ngoại tháp, lan tỏa ở tất cả các cơ đồng vận cũng như các cơ đối vận, và dễ dàng phát hiện bằng dấu hiệu bánh xe răng cưa (có tác giả gọi là triệu chứng Negro). Khi khám sờ nắn cơ thường thấy cơ không cứng. 

Trong quá trình tiến triển của bệnh, hiện tượng co cứng cơ lan tỏa từ bên nửa người này sang bên kia, co cứng cơ ở thân mình, cổ, đầu và tứ chi.

Đây là một trong các triệu chứng quan trọng nhất và sớm nhất, đồng thời co cứng cơ cũng làm cho triệu chứng  giảm động trở nên nặng hơn.

4. Nét mặt (Mimica)

Đây cũng là triệu chứng gặp ở hầu hết các bệnh nhân, nó phụ thuộc vào mức độ tăng trương lực cơ, giảm động và sự thay đổi cảm xúc và mức độ tiến triển của bệnh.

Mặt của bệnh nhân mất đi những nét tinh tế, linh hoạt, nét vui tươi duyên dáng sẵn có. Trông nét mặt trở nên thờ ơ, lạnh nhạt, ít rung động, nghèo những vận động để biểu hiện cảm xúc, nét mặt như tượng.

5.Tư thế thân và bước đi

Tư thế của thân bị thay đổi do hậu quả của co cứng tăng trương cơ lực khiến cho đầu bệnh nhân hơi cúi về phía trước, cổ cũng thường cứng (do tăng trương lực các cơ ở cổ), nên khi muốn nhìn sang bên cạnh bệnh nhân phải quay cả người. Thân cũng ở tư thế hơi gấp, tay và chân cũng hơi gấp nhẹ.

bệnh parkinson
Tất cả tư thế ở trên tạo ra dáng bệnh nhân luôn ở tư thế hơi cúi về phía trước

Bước đi của bệnh nhân cũng thay đổi, khi bước đi bước đầu tiên thường phải hết sức đưa chân ra và rất khó khăn bệnh nhân mới bước đi được, nhưng khi đã đi được rồi thì đi rất nhanh với các bước đi ngắn.

6. Tiếng nói và chữ viết

Giọng nói của bênh nhân trở nên yếu ớt, đơn điệu (đơn giọng), giọng chậm, mới đầu nói to sau giảm dần, mất âm điệu của cuộc nói hội thoại, diễn đạt giọng nói tình cảm khó khăn.

Chữ viết bị thay đổi gặp trong giai đoạn đầu của bệnh, chữ viết cũng có hiện tượng nhỏ dần đi, chữ viết không đều, viết chậm chạp và không thẳng hàng. Chữ viết trở nên nhỏ đi so với lúc chưa bị bệnh.

7. Rối loạn thần kinh thực vật

Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật gặp ở 100% bệnh nhân, biểu hiện dưới dạng những cơn kịch phát mang tính chất của thần kinh phó giao cảm. Huyết áp thấp, táo bón, đái dắt, tăng tiết chất nhờn ở da mặt, tăng tiết chất bã ở mang tai, tăng tiết nước bọt nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân bị khô miệng, mặt lúc nào cũng đỏ, tăng tiết mồ hôi khu vực (tay hoặc chân) hoặc toàn thân.

Có thể thấy móng chân và móng tay khô dễ gãy, loãng xương (Osteoporisis). Có khoảng 75% số bênh nhân Parkinson có hiện tượng sút cân (Pallis C.A 1971). Thường bệnh nhân thấy đau đầu, chóng mặt, đau vùng trước tim và nhiệt độ toàn thân không được ổn định.

8. Rối loạn trí tuệ và cảm xúc

Ở bệnh nhân Parkinson có thể gặp sa sút trí tuệ nhất là những trường hợp bệnh nhân nặng, bệnh nhân có thể có rối loạn tâm thần biểu hiện rối loạn về cảm xúc: Tăng cảm xúc (dễ xúc động,  mau nước mắt, dễ cảm động, dễ mủi lòng…); Khoảng 30 – 40% có trầm cảm; Một số ít có thể có rối loạn tri giác (ảo thị).

9.Triệu chứng thần kinh khu trú

Bệnh Parkinson thường là không phát hiện có dấu hiệu thần kinh khu trú: Không có dấu hiệu tổn thương bó tháp (dấu hiệu Babinski và các dấu hiệu tương tự Babinski âm tính…), cảm giác khách quan không rối loạn (có thể có rối loạn cảm giác chủ quan như loạn cảm đau…), thần kinh sọ não bình thường, phản xạ gân xương bình thường hoặc tăng nhẹ…

Tài liệu tham khảo

  • TS Dương Văn Hạng; Lâm sàng Thần kinh; Bộ môn Thần kinh; Học viện Quân Y, 1994.
  • PGS.TS Nguyễn Văn Chương; Thực hành lâm sàng Thần kinh học, tập III; Nhà xuất bản y học, Hà Nội – 2005.

Nguồn: TS.BS Cao cấp Ngô Quang Trúc/ Yhocbandia.vn

Đánh giá bài viết

Đáng suy ngẫm

mua 6 tặng 1 sản phẩm azbrain

banner quảng cáo viên uống zlove

Video phản hồi AZBrain với bệnh "Bệnh về não":

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điểm bán gần bạn