Huyết áp thấp là bao nhiêu, nguy hiểm như nào, nguyên nhân và cách điều trị

Ngày đăng: 29/06/2023  Bởi: Đức Lê Lượt xem

Có nhiều ý kiến cho rằng huyết áp thấp là căn bệnh không quá nguy hiểm nhưng thực tế thì đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Những triệu chứng và biến chứng của huyết áp thấp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài và khó chữa cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bệnh huyết áp thấp là gì?

Huyết áp bình thường có chỉ số trung bình ở mức 120/80 mmHg. Trong trường hợp chỉ số huyết áp dưới 90/60 mmHg tức là huyết áp tâm thu thấp hơn 90 mmHg hoặc huyết áp tâm trương thấp hơn 60 mmHg thì được gọi là huyết áp thấp. 

Chỉ số huyết áp dưới 90/60 mmHg được gọi là huyết áp thấp 
Chỉ số huyết áp dưới 90/60 mmHg được gọi là huyết áp thấp

Triệu chứng của huyết áp thấp 

Huyết áp giảm dẫn đến não không được cung cấp đủ máu và oxy. Đây là lý do khi thay đổi tư thế một cách đột ngột từ nằm sang ngồi hoặc từ ngồi sang đứng thì người bị huyết áp thấp sẽ có cảm giác mọi vật xoay tròn và không thể kiểm soát. 

  • Đau đầu dữ dội

Một trong những triệu chứng gây phiền phức nhất của huyết áp thấp chính là những cơn đau đầu. Tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn khi làm việc quá căng thẳng hoặc hoạt động nặng. Người bệnh thường đau nặng ở mức đỉnh đầu và có thể vừa đau vừa tê nhức. 

Huyết áp thấp khiến não không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng dẫn đến việc người bệnh mất tập trung, hay quên, trí nhớ kém, xử lý vấn đề chậm chạp hơn,…

  • Tay chân lạnh, da nhợt nhạt 

Khi bị huyết áp thấp thì lượng máu tưới cho da bị giảm khiến việc trao đổi oxy bị ảnh hưởng nên người bệnh thường có cảm giác chân tay lạnh, tê nhức, da nhợt nhạt, kém hồng hào,..

  • Giảm thị lực

Lượng máu cung cấp cho dây thần kinh thị giác và nhãn cầu bị giảm khi huyết áp thấp. Đây là lý do người bệnh gặp tình trạng mờ mắt đột ngột hoặc mắt đột nhiên tối sầm và có thể không thấy gì trong khoảng thời gian ngắn. 

  • Mệt mỏi

Người huyết áp thấp thường có cảm giác mệt mỏi, không có sức lực, tay chân rã rời. Sau khi nghỉ ngơi thì tình trạng mệt mỏi có thể cải thiện nhưng chỉ được một khoảng thời gian ngắn. 

Những người bị huyết áp thấp thường có trạng thái mệt mỏi rã rời
Những người bị huyết áp thấp thường có trạng thái mệt mỏi rã rời
  • Buồn nôn

Huyết áp thấp khiến não thiếu oxy và hệ tiêu hóa cũng nhận được ít máu nên nhu động ruột co bóp yếu hơn và khả năng hấp thu dinh dưỡng kém. Điều này khiến người bệnh có cảm giác ăn không ngon miệng, trong người khó chịu, có cảm giác nôn nao, buồn nôn,… 

  • Nhịp tim nhanh, khó thở, trống ngực

Huyết áp thấp làm cho cơ thể thiếu oxy nên tim và phổi phải tăng cường hoạt động để bù đắp, dẫn dến tình trạng nhịp tim nhanh, khó thở, trống ngực,…

  • Ngất xỉu

Ở mức độ nghiêm trọng, huyết áp hạ quá mức dẫn đến máu lên não bị giảm mạnh đột ngột và khiến người bệnh bị ngất. Tình trạng này mang nhiều rủi ro bởi việc mất ý thức đột ngột có thể gây ra những chấn thương nghiêm trọng. 

Huyết áp thấp có nguy hiểm không?

Với những người khỏe mạnh thì tình trạng huyết áp thấp không kèm theo triệu chứng thường không cần điều trị nhưng cũng không nên chủ quan bởi huyết áp giảm một cách đột ngột có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề nguy hiểm tiềm ẩn. Huyết áp thấp thấp có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Các cơ quan (đặc biệt là não, tim, thận) bị tổn thương do không được cung cấp đủ oxy và máu, nghiêm trọng hơn là một số tế bào não không thể hồi phục sau tổn thương.
  • Người bị huyết áp thấp có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn so với người bình thường
  • Huyết áp thấp có thể là nguyên nhân dẫn đến nhồi máu não và nhồi máu cơ tim, làm tăng tỉ lệ các ca tử vong do đột quỵ 

Bên cạnh những biến chứng trên thì các biểu hiện của huyết áp thấp như choáng váng, ngất xỉu,…có thể khiến người bệnh gặp chấn thương. Không chỉ vậy, với những trường hợp huyết áp giảm mạnh có thể dẫn tới sốc và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. 

Nguyên nhân huyết áp thấp 

  • Do bệnh lý về tim mạch

Một số bệnh lý tim mạch như: suy tim, hở van tim hay rối loạn nhịp tim,…khiến tim không đủ áp lực để đưa máu đi nuôi cơ thể và dẫn đến người bệnh bị  huyết áp thấp.

  • Do tác dụng phụ của thuốc tây

Người bệnh có nguy cơ bị hạ huyết áp khi sử dụng một số loại thuốc như: thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, thuốc gây tê, thuốc trị bệnh Parkinson, thuốc chẹn beta/alpha,…

  • Do bị rối loạn nội tiết tố

Trong cơ thể, tuyến giáp có vai trò sản xuất hormone kiểm soát huyết áp và nhịp tim còn tuyến thượng sẽ giúp điều chỉnh những phản ứng căng thẳng. Khi có vấn đề tại một trong hai tuyến này thì người bệnh sẽ có nguy cơ bị tăng hoặc giảm huyết áp. 

  • Do chế độ ăn uống

Chán ăn dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng và khiến nhịp tim chậm một cách bất thường, dẫn đến nguy cơ huyết áp thấp. Bên cạnh đó, với những người ăn uống không hợp vệ sinh, không đảm bảo khoa học dẫn đến bị tiêu chảy, nôn,..làm cho cơ thể mất cân bằng điện giải và bị hạ huyết áp. 

  • Do một số nguyên nhân khác

Huyết áp thấp có thể đến từ những nguyên nhân như: hạ huyết áp do mang thai, do tiểu đường, sử dụng nhiều bia rượu, bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc,…

Cách điều trị huyết áp thấp đột ngột

Trước hết cần phải biết làm gì khi bị tụt huyết áp bất ngờ hay còn gọi là sơ cứu người bị tụt huyết áp:

  • Cần đặt người bệnh nằm xuống mặt phẳng, dùng gối kê sao cho đầu thấp hơn chân
  • Có thể cho người bệnh ăn các đồ ăn nhiều muối, socola hoặc uống nước sâm, trà gừng, chè đặc, cà phê,…để giúp kích thích nhịp tim và tăng huyết áp tạm thời. Nếu không có sẵn những đồ ăn uống trên thì bạn có thể cho người bệnh uống nhiều nước lọc.
  • Cho người bệnh uống thuốc huyết áp do bác sĩ kê (nếu có). Hiện tại chưa có loại thuốc nào có hiệu quả lâu dài trong việc điều trị huyết áp thấp mà chỉ góp phần điều trị các triệu chứng. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc có tác dụng tăng huyết áp tạm thời như: Ephedrine, Heptamyl, Pantocrin,..
  • Nếu sau khi sơ cứu mà người bệnh cảm thấy đỡ hơn thì nên để người bệnh ngồi dậy từ từ và cử động tay chân trước khi ngồi.
  • Trong trường hợp sau khi sơ cứu mà người bệnh vẫn không cải thiện thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Ăn những thực phẩm nhiều muối sẽ giúp kích thích tăng huyết áp tạm thời
Ăn những thực phẩm nhiều muối sẽ giúp kích thích tăng huyết áp tạm thời

Bên cạnh nắm được việc sơ cứu khi gặp người bị tụt huyết áp đột ngột thì để phòng tránh cũng như cải thiện tình trạng huyết áp thấp, cần xây dựng cho bản thân một chế độ dinh dưỡng, tập luyện và sinh hoạt khoa học:

Chế độ dinh dưỡng:

  • Với người bị huyết áp thấp thì nên tăng cường muối trong chế độ ăn (ăn từ 10-15g mỗi ngày) nhưng không nên ăn quá nhiều vì có thể dẫn đến suy tim. Một số thực phẩm có hàm lượng muối cao giúp tăng huyết áp gồm: pho mát, các món kho, mắm, rong biển,…
  • Nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường ăn các thực phẩm như trứng, đậu tương, rau xanh, trái cây tươi,…để bổ sung chất xơ, vitamin cùng các khoáng chất.
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, có thể dùng các loại nước có tác dụng tăng huyết áp như: nước sâm, trà gừng, trà đặc, cà phê,…
  • Không nên ăn các loại thực phẩm lợi tiểu như: râu ngô, rau cải, bí ngô,…và hạn chế rượu, bia, mướp đắng, nước cam, khoai lang tím, kiwi,…vì những thực phẩm này làm hạ huyết áp. 

Chế độ tập luyện:

  • Nên tập thể dục thể thao đều đặn từ 10-15 phút mỗi ngày
  • Có thể thực hiện những bài tập, bộ môn như: đi bộ, yoga, cầu lông, bơi, tenis,…vì các bài tập này không chỉ có lợi ích với tim mạch và hô hấp mà còn giúp cải thiện dây thần kinh, tránh tình trạng huyết áp thay đổi đột ngột. 
  • Cần tránh những bộ môn vận động mạnh như đá bóng, chạy đường dài, tập tạ, bóng chuyền,…hoặc các bộ môn gây chóng mặt như nhào lộn, nhảy đu,…vì những môn thể thao này dễ làm tụt huyết áp. 

Chế độ sinh hoạt:

  • Khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi hoặc từ ngồi sang đứng thì cần thực hiện từ từ để tránh hoa mắt chóng mặt do tụt huyết áp.
  • Khi ngủ cần kê chân cao hơn đầu, ngủ đúng giờ và đủ giấc, tránh thức khuya.
  • Nên giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, tránh xúc động mạnh, có thể đọc sách, nghe nhạc, xem phim,…để giải tỏa căng thẳng, tránh lo âu, stress kéo dài. 
  • Nên thường xuyên theo dõi các chỉ số huyết áp của mình, có thể sử dụng máy đo tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế

Nhìn chung, huyết áp thấp có thể gây ra nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe nếu không được khắc phục kịp thời. Vì vậy cần chú ý đến những biểu hiện bất thường của cơ thể để phát hiện và kiểm soát tình trạng bệnh.

Đánh giá bài viết

Đáng suy ngẫm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điểm bán gần bạn