Thêm 1 trường hợp tụt huyết áp, suy tạng nhập viện vì món ăn vạn người mê

Ngày đăng: 04/08/2023  Bởi: Đức Lê Lượt xem

Một người đàn ông 45 tuổi được tiếp nhận cấp cứu trong tình trạng tụt huyết áp, viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Được biết, 3 ngày trước thì người bệnh có ăn thịt lợn và tiết canh.

Người bệnh là anh Tuấn (tên người bệnh đã được thay đổi) vào viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, nôn nhiều, sốt cao, hoa mắt chóng mặt, đau bụng quanh cuống rốn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày. 

Thông qua các xét nghiệm, anh Tuấn được xác định bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn do trước đó 3 ngày có ăn thịt lợn và tiết canh. Ngay sau đó, người bệnh được điều trị bằng kháng sinh, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, liên tục lọc máu, truyền huyết tương, khối tiểu cầu cùng với những biện pháp khác. Do chuẩn đoán và điều trị đúng cách, tích cực từ khi vào viện, người bệnh đã vượt qua nguy kịch và xuất viện sau 21 ngày điều trị. 

Tương tự như trường hợp của anh Tuấn thì nhiều cơ sở y tế hiện nay cũng tiếp nhận rất nhiều trường hợp gặp biến chứng do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. 

Hình ảnh người bệnh bị nhiễm cầu khuẩn lợn
Hình ảnh người bệnh bị nhiễm cầu khuẩn lợn

Theo các bác sĩ, người bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn thường là những người làm nghề chăn nuôi, giết mổ và chế biến thịt lợn sống, những người có thói quen ăn thịt tái, sống, ăn tiết canh,..bởi nguyên nhân mắc bệnh là do tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn gây bệnh, các chất tiết của lợn bị bệnh hoặc do ăn những sản phẩm chế biến từ lợn có bệnh nhưng không nấu chín. 

Khi bị nhiễm liên cầu lợn thì người bệnh thường có các triệu chứng như: sốt cao, rét run, rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, đau đầu dữ dội và nhiều trường hợp nghiêm trọng có thể xảy ra các tình trạng như: co cứng cơ, khó thở, suy hô hấp, rối loạn tâm thần kinh ( lơ mơ, lú lẫn, hôn mê, mất thính lực, mờ mắt,..), rối loạn tuần hoàn ( viêm cơ tim, tụt huyết áp, sốc nhiễm khuẩn), suy giảm chức năng gan thận, xuất huyết dưới da, hoại tử ngón tay ngón chân, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết nội tạng,…cùng nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. 

Khi phát hiện có một trong những triệu chứng trên sau khi tiếp xúc với lợn hoặc ăn tiết canh, thịt lợn,…thì nên nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời. 

Nhiễm liên cầu lợn là bệnh có thể điều trị sớm thông qua các loại kháng sinh. Với những trường hợp nặng và nguy kịch thì bên cạnh kháng sinh, người bệnh được áp dụng các biện pháp điều trị khác như chống sốc, thở máy, đặt ống nội khí quản, lọc máu, truyền máu, điều trị suy đa tạng và điều chỉnh các rối loạn nội môi khác.

Những trường hợp nghiêm trọng có thể cần phải thở máy và lọc máu liên tục
Những trường hợp nghiêm trọng có thể cần phải thở máy và lọc máu liên tục

Để phòng tránh mắc bệnh thì cần chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định, khi chế biến cần đeo gang tay, ăn chín uống sôi và tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt lợn sống, tái,…Với những người chăn nuôi và giết mổ, chế biến lợn thì cần nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp vệ sinh trong chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại và vệ sinh khi tiếp xúc, giết mổ lợn. Trong trường hợp lợn chết và lợn bệnh thì cần tiêu huỷ, chôn và khử trùng theo đúng quy định.

Đánh giá bài viết

Đáng suy ngẫm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điểm bán gần bạn